4 chiến lược tài chính chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng cho năm mới
Năm nay tình hình tài chính của bạn như thế nào? Tất nhiên là năm nay đầy biến cố bất ngờ rồi, nhưng tình hình tài chính của bạn thế nào rồi? Bạn đã đạt được mục tiêu tích lũy tài chính mà bản thân đặt ra hồi đầu năm chưa? Bạn cần cải thiện ở mặt nào? Điều này nghe có vẻ chán, nhưng mà không gì khiến chúng ta căng thẳng hơn là cảm giác mất kiểm soát tài chính cá nhân của mình, đúng chứ? Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết các vấn đề tiền bạc có thể được giải quyết với một chút thay đổi và một kế hoạch kỹ lưỡng. Năm 2020 sắp sửa trôi qua, đây là thời điểm thích hợp để ngồi lại và xem xét chiến lược dòng tiền của bạn trong năm nay. Dưới đây là một số giải pháp tài chính chuyên gia Michael Yardney khuyên bạn nên áp dụng cho năm mới. 1. Không tiêu nhiều hơn số tiền mình kiếm được Điều này nghe có vẻ căn bản, nhưng rất nhiều người bị rơi vào cái bẫy này. Không phải là họ muốn chi tiêu nhiều hơn, nhưng họ vẫn bị sốc khi nhận ra số nợ tín dụng họ phải chi trả vào dịp cuối tháng. Hoặc là họ không hề có khái niệm về mức chi tiêu mỗi tháng của bản thân, do đó kể cả những khoảng chi tiêu vô tội vạ của họ chỉ ở mức vừa phải, hóa đơn mỗi tháng của họ vẫn cao hơn mức họ nhận ra. Đó là lý do tôi không thích thanh toán bằng ghi nợ trực tiếp. Dĩ nhiên là nó tiện, nhưng khoản chi tiêu đó sẽ khó kiểm soát hơn. 2. Chuẩn bị cho những khoản chi ngoài dự kiến Nếu có điều gì đó bạn có thể dự trù được về vấn đề quản lý tài chính của mình, thì đó là sẽ luôn có những điều ngoài dự kiến. Cuộc sống của bạn sẽ vẫn tiếp diễn bình thường và rồi, bùm, xe của bạn hỏng hoặc những hóa đơn bất ngờ được gửi đến. Cách duy nhất để bạn không bị che mắt bởi những điều ngoài dự kiến này, đó là đưa chúng vào dự trù. Hãy dành ra 10% thu nhập của bạn để chi trả cho những khoản chi bất ngờ ngoài dự kiến này để chúng không còn là “ngoài dự kiến” nữa. Nhưng nhớ đừng dùng 10% dự trù đó để chi trả cho nhu cầu hoặc chi tiêu hằng ngày nhé. 3. Ngừng tiêu tiền cho những thứ bạn không yêu thích Tôi là một người thích hưởng thụ cuộc sống, nhưng tôi biết “hưởng thụ cuộc sống” có thể có ý nghĩa rất khác nhau đối với nhiều người. Đối với một vài người, đó là ưu tiên đi du lịch, đối với những người khác, đó có thể là một sở thích tốn kém nào đấy, ví dụ như đua thuyền hoặc trượt tuyết. Dĩ nhiên việc tiêu tiền cho đam mê của mình thì không có gì là sai. Nhưng tiêu tiền cho những thứ mình không yêu thích thì lại hơi sai đấy. Nhiều người dễ dàng chi tiêu quá đà vào việc ra ngoài ăn tiệm mỗi ngày hoặc uống thêm một tách café nữa chỉ vì thói quen thay vì để thưởng thức. Vậy nên, hãy cắt giảm việc chi tiêu vào những thứ bạn không yêu thích để bạn có thể tiêu tiền cho những thứ thực sự làm bạn hạnh phúc nhé. 4. Lập ra một chiến lược đầu tư Mọi người đều cần lập kế hoạch cho tương lai, bất kể khả năng chịu đựng rủi ro của họ. Điều này nghĩa là không tiêu nhiều hơn số bạn kiếm được, dĩ nhiên rồi, nhưng hơn thế nữa, nó còn liên quan đến việc chuẩn bị cho viễn cảnh tài chính tương lai của bạn thông qua đầu tư. Ngoài việc quản lý chi phí hằng ngày của mình, bạn cần phải cân nhắc xem mình sẽ nghỉ hưu như thế nào nữa. Bạn đã tham gia vào một quỹ hưu trí đủ tốt giúp bạn tận dụng tối đa lãi suất kép hay chưa? Bạn đã xây dựng một danh mục đầu tư bất động sản vững chắc và bạn có cơ cấu tài chính phù hợp để nắm giữ bất động sản trong nhiều năm nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay không? Việc lập kế hoạch cho tương lai là điều cần thiết, vì không ai có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính bằng cách mỗi tháng tiết kiệm một ít từ tiền lương cả. Nhưng nhiều người chỉ thực hiện đúng một việc, là mỗi tháng tiết kiệm một ít từ tiền lương, mà thôi. Họ dựa hoàn toàn vào lương bổng và tự huyễn hoặc về tình hình tài chính và tương lai tài chính của mình. Hãy cân nhắc tình hình tài chính hiện tại của mình, đối mặt với nó, dù tốt hay là xấu, và bạn đã chuẩn bị cho bản thân một năm 2021 hạnh phúc và thịnh vượng rồi đấy. Tác giả: Michael Yardney Theo: Propertyupdate.com.au BeInvestor.net dịch