Đà hồi phục kinh tế Mỹ đang tăng tốc giữa lúc việc dân Mỹ nhận được tiền cứu trợ, tiêm chủng vắc-xin và sự khởi động lại hoạt động kinh doanh đang tạo cú huých cho chi tiêu tiêu dùng và sự trỗi dậy của hoạt động sản xuất. Ngoài ra, tình trạng sa thải nhân viên đã giảm bớt.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/04, doanh số bán lẻ trong tháng 3 tăng vọt 9.8%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5/2020. Xu hướng gia tăng chi tiêu tiêu dùng - lực kéo chính cho hoạt động kinh tế tại Mỹ - diễn ra khi Chính phủ bắt đầu chuyển hàng trăm tỷ USD tiền cứu trợ đến các hộ gia đình.
Đối với thị trường việc làm, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 09/04 đã giảm đi gần 200,000 người. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm từ mức 769,000 xuống 576,000 trong tuần trước đó.
Con số 576,000 tuy vẫn cao hơn so với hồi đầu năm 2020 nhưng lại là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công vào nền kinh tế Mỹ hồi tháng 3/2020. Tổng số người đang nhận trợ cấp cũng giảm nhờ việc triển khai các chương trình hỗ trợ liên quan đến đại dịch.
Hôm 15/04, Chính phủ cũng thông báo, sản lượng công nghiệp đã tăng 2.7% trong tháng 3.
“Các chỉ số kinh tế cho thấy rằng người dân đang quay lại làm việc, chứng kiến thu nhập nhiều hơn và chi mạnh tay. Đây là một câu chuyện khả quan về sự bật dậy của kinh tế Mỹ”, Joseph Brusuelas, Kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn RSM cho biết.
Xu hướng tăng doanh số bán lẻ trong tháng 3 thể hiện trên diện rộng và đặc biệt tăng mạnh ở những ngành nghề đã chịu tác động mạnh ở thời điểm đầu của đại dịch. Chẳng hạn, doanh số tại các nhà hàng, quán bar trong tháng 3 tăng 13.4% so với tháng 2 và tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh số tại các cửa hàng quần áo cũng tăng vọt. Điều này cho thấy rằng người Mỹ đang bắt đầu làm mới các tủ quần áo của họ để chuẩn bị quay lại các hoạt động bên ngoài, bà Michelle Meyer, người đứng đầu bộ phận kinh tế Mỹ của Bank of America, cho hay.
Bà Meyer nói: “Việc mở lại hoạt động kinh doanh diễn ra trong suốt tháng 3. Ngày càng có nhiều bang nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển và ngày càng có nhiều người được tiêm vắc-xin và cảm thấy thoải mái để quay lại tham gia vào các hoạt động kinh tế cũng như quay lại các hoạt động của họ trước đây”.
Trong khi đó, doanh số tại các cửa hàng tạp hóa chỉ tăng 0.5% trong tháng 3 và giảm tới 13.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này kỳ vọng doanh số sẽ giảm trong quý 2 năm nay do ngày càng có nhiều người được tiêm chủng hơn và khách hàng ít nấu ăn ở nhà hơn.
Theo Trung Tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), trong tuần kết thúc ngày 09/04, mỗi ngày trung bình có gần 2.9 triệu liều vắc-xin được phân phối trên khắp nước Mỹ thay vì chỉ khoảng 2 triệu liều ở thời điểm đầu tháng 3. Theo CDC, việc tạm ngưng sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson có thể gây ảnh hưởng khá hạn chế.
Niềm tin tiêu dùng Mỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện nhờ các tín hiệu của đà phục hồi kinh tế và chính sách hỗ trợ liên bang. Theo Bộ Tài chính Mỹ, từ giữa tháng 3 năm nay, chính phủ liên bang đã chuyển gần 376 tỷ USD tiền cứu trợ cho các hộ gia đình.
Thị trường lao động cũng đang chứng các dấu hiệu khả quan. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình 4 tuần (tính đến ngày 09/04) đã giảm còn 683,000, mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch đến nay.
Tổng số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp cũng giảm. Trong tuần kết thúc vào ngày 27/03, có khoảng 16.9 triệu người được nhận trợ cấp thông qua các chương trình của Chính phủ, giảm từ con số 18.2 triệu người trong tuần trước đó.
Dù vậy, số lượng việc làm tại Mỹ trong tháng 3 vẫn ít hơn 8.4 triệu việc làm so với thời điểm trước đại dịch.
Nghiên cứu của Federal Reserve Bank of New York cho thấy rằng, nhiều người Mỹ đã lên kế hoạch hoặc đã sử dụng gần 1/4 khoản hỗ trợ kích cầu liên bang gần đây nhất để chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu lẫn không thiết yếu.
Đồng thời, họ còn chuyển phần tiền hỗ trợ còn lại vào khoản tiết kiệm hoặc dùng để trả nợ dần. Nghiên cứu còn cho thấy, so với 2 đợt nhận tiền cứu trợ trước đó, người dân có xu hướng chi tiêu ít hơn.
Dữ liệu của Bank of America về theo dõi chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho thấy, người tiêu dùng trong tháng 3 đã chi tiền mạnh tay hơn để mua quần áo và đồ nội thất. Đồng thời họ cũng chi nhiều hơn vào các cửa hàng bách hóa và nhà hàng.
Tương tự như thế, dữ liệu của Earnest Research cho thấy chi tiêu tiêu dùng trong tháng 3 tăng 29% so với tháng 2 và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ tăng tiêm chủng vắc-xin và số ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh so với đỉnh cuối năm 2020, nhiều nơi đã nới lỏng hạn chế kinh doanh, dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm ăn uống bên ngoài, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các cửa hàng ăn uống và nhà hàng.
Ông Brusuelas của RSM cho rằng, chi tiêu vào lĩnh vực dịch vụ Mỹ có thể tăng nhiều hơn nữa nhờ các nỗ lực kích thích bổ sung. Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ và cũng là lĩnh vực bị tác động nặng nhất vì đại dịch.
Đa số các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ tạo cú huých và giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 4, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo GDP Mỹ sẽ tăng 6.4% trong năm 2021, cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 3 là tăng 5.95%. Dù vậy, lo ngại về đợt tái bùng phát đại dịch vẫn còn đó. Gần đây, số ca nhiễm mới có dấu hiệu tăng trở lại trong khi quá trình tiêm chủng xuất hiện nhiều tín hiệu rắc rối vì một số trường hợp đông máu (dù khá hiếm) sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson. Các quan chức Fed và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bất kỳ sự gia tăng kéo dài nào về số ca nhiễm Covid-19 đều có thể đe dọa đến sự phục hồi kinh tế.
Theo: Wall Street Journal
BeInvestor.net dịch
Comments