Tin tức BĐS Việt Nam
Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS là tâm lý của người mua vẫn luôn tin rằng, sau dịch giá BĐS sẽ giảm, nên nhiều người chọn cách chờ đợi. Trong khi, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng mặt bằng giá trung bình vẫn tăng chứ không giảm.
Đó chính là lý do thị trường BĐS hiện đang ở trạng thái chờ đợi, người mua có tâm lý "thăm dò" thị trường.
Giá BĐS vẫn theo chiều hướng tăng lên
Theo ghi nhận, ngay cả trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, giá BĐS trên thị trường sơ cấp vẫn không có chiều hướng sụt giảm. Trong khi trên thị trường thứ cấp thì việc giảm giá ở một số sản phẩm không đại diện cho toàn thị trường nhà đất. Hầu hết các dự án từ đất nền, căn hộ, nhà phố bung hàng ở thời điểm này đều ghi nhận mức tăng so với thời điểm trước Tết nguyên đán. Cá biệt, có một số dự án tại khu vực Tp.HCM, mặt bằng giá cao hơn hẳn so với trước Tết.
Ngay trong quý 1/2020, khi thị trường chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, theo số liệu báo cáo từ Bộ xây dựng, giá BĐS các đô thị vẫn chiều hướng đi lên. Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn tại Tp.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo DKRA Vietnam, dù thị trường BĐS có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn.
Lý do khiến giá BĐS khó giảm đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra là bởi các chi phí đầu vào không thể giảm, thì giá bán ra giảm là điều rất khó. Hơn nữa, nhu cầu thị trường vẫn còn lớn, CĐT thay vì chọn cách giảm giá thì tăng chiết khấu, khuyến mãi để hỗ trợ cho khách hàng trong ngắn hạn.Về dài hạn, giá BĐS vẫn sẽ biến động tăng theo thị trường, nhất là trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung như hiện nay thì việc giảm giá là không thể.
Người mua vẫn chờ "xuống giá"
Đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS. Tâm lý của cả người mua ở thực lẫn NĐT là chờ đợi thêm một thời gian để "ngóng" việc liệu thị trường có giảm giá hay không. Theo đó, nhiều người trong số họ thay vì "xuống tiền" thì chọn cách ngồi chờ đợi.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, doanh nghiệp BĐS làm dự án bao giờ cũng nghĩ đến câu chuyện lợi nhuận, mà giảm lợi nhuận để nghĩ cái trung hạn và dài hạn thì rất cần khuyến khích. Điều này sẽ giúp người có nhu cầu mua nhà thực có khả năng tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong bài toán kinh doanh của doanh nghiệp khá nhiều chi phí tính phải tính toán. Theo đó, việc chờ đợi BĐS xuống giá là tình huống khó xảy ra ở bối cảnh thị trường hiện nay.
Theo ghi nhận, hiện hoạt động truyền thông, tiếp thị, quảng cáo…dự án bắt đầu trở lại thị trường. Khách hàng cũng bắt nhịp, quan tâm và có nhu cầu mua BĐS. Thế nhưng, tâm lý thận trọng, chờ đợi, quan sát diễn biến thị trường vẫn là diễn biến chung dễ nhận thấy hiện nay.
Cũng không thể phủ nhận, giá BĐS đang vượt quá khả năng tài chính của số đông, khiến người mua nhà luôn trong trạng thái "trông ngóng" giá đi xuống, giá mềm để mua. JLL Việt Nam đánh giá, giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vẫn ở mức quá cao, đặc biệt đối với người thu nhập trung bình.
Tính riêng ở Hà Nội, nguồn cung mới phân khúc nhà ở bình dân, giá rẻ tiếp tục giảm sút, chênh lệch nguồn cung giữa các dòng sản phẩm được nới rộng. Tỷ trọng nguồn cung sản phẩm được chào bán cao nhất là phân khúc nhà ở trung cấp chiếm 67%; phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25% tổng nguồn cung chào bán; tiếp đến là phân khúc hạng sang chiếm 6%; phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế
Comentarios