Stuart Wemyss, nhà sáng lập ProSolution Private Clients Australia, tác giả nhiều cuốn sách về tài chính, đầu tư, bất động sản như The Property Puzzle: How to Develop a Plan to Achieve Financial Freedom, Investopoly: The 8 Golden Rules for Mastering the Game of Building Wealth muốn chia sẻ một vài bài học quan trọng mà trải nghiệm Covid đã trao cho chúng ta.
Kết thúc năm 2020, tôi nghĩ việc suy ngẫm về những gì Covid đã dạy ta về các quyết định tài chính của mình sẽ là một ý tưởng hay.
Mặc dù không muốn tỏ ra quá triết lý, tôi tin rằng cuộc sống luôn dạy cho chúng ta những bài học, nhưng chúng ta phải chuẩn bị để học những bài học đó.
Chuẩn bị cho sự sụp đổ của thị trường
Việc thị trường điều chỉnh không phải là chuyện lạ. Nó thường xảy ra theo chu kỳ mỗi 8 đến 12 năm. Tất nhiên, nguyên nhân của những đợt điều chỉnh này hoàn toàn khác nhau và không thể đoán trước được.
Đó là lý do tại sao chúng tạo ra nhiều biến động, bởi thị trường bị hoảng loạn do một sự kiện mà nó đã không hoặc không thể lường trước được. Và đó cũng là lý do vì sao chúng ta luôn có cảm giác “lần này khác”.
Mặc dù mỗi đợt sụp đổ đều tạo cảm giác khác nhau, chúng đều có những điểm chung.
Đầu tiên là, thị trường phản ứng quá đà, và tất cả các khoản đầu tư, bất kể chất lượng và triển vọng, đều bị ảnh hưởng. Vào tháng 3 năm nay, mọi thứ đều bị giảm giá trị - từ cổ phiếu, trái phiếu, vàng… mọi thứ! Nhưng thực tế là cuộc khủng hoảng sẽ tác động đến mỗi loại tài sản ở một mức độ khác nhau.
Thứ hai, thị trường có xu hướng phục hồi nhanh hơn nhiều so với chúng ta mong đợi. Bài học là hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những giai đoạn vô cùng thiếu chắc chắn. Hãy quyết tâm đi đến cùng. Đừng để những biến cố này cám dỗ bạn đưa ra bất kỳ một quyết định hấp tấp nào, ví dụ như việc bán tống bán tháo. Nếu phù hợp, hãy chuẩn bị để đầu tư thêm.
Giữa khủng hoảng, hãy tập trung vào dài hạn
Trong giai đoạn khủng hoảng, rất khó để tập trung vào dài hạn bởi vì rất khó để hình dung được diễn biến của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, việc cam kết với đường đua dài hạn vẫn có giá trị của nó. Ví dụ, chỉ số cổ phiếu thế giới đã tạo ra lợi nhuận tốt trong thời gian dài, lợi nhuận 10,7% / năm. chính xác là trong giai đoạn 1970 đến 2019. Đầu tư vào một chỉ số như thế này trong thời kỳ khủng hoảng có thể không tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình trong thời gian một tháng hoặc thậm chí là một năm.
Nhưng vì chúng tôi biết rằng thị trường luôn phục hồi mạnh mẽ trong khoản thời gian 5 năm sau khủng hoảng, nên nhiều khả năng nó sẽ tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình trong trung hạng. Chính cách làm này đã phục vụ tốt cho nhà đầu tư. Và đây cũng chính là cách mà tôi đã áp dụng khi hỗ trợ khách hàng đầu tư hồi tháng 3, tháng 4 và tháng 5 (thực ra là bất cứ lúc nào tôi cũng áp dụng phương pháp này).
Tôi đầu tư theo cách nhắm đến tối ưu hóa lợi nhuận trung và dài hạn. Tôi không hề chú trọng vào việc tạo ra lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, hóa ra lợi nhuận trong ngắn hạn lại rất tuyệt vời. Bài học ở đây là tập trung vào đường dài giúp chúng ta đưa ra những quyết định đầu tư trong những thời điểm (rất) không chắc chắn. Thực tế là đó là lựa chọn duy nhất vì áp dụng chiến lược đầu tư tập trung vào triển vọng ngắn hạn có xu hướng dễ bị tê liệt.
Dự trữ tiền mặt là rất quan trọng
Việc có khoản dự trữ tiền mặt tạo ra một bảo đảm an toàn trong trường hợp thu nhập của bạn giảm đột ngột hoặc chi phí tăng vọt.
Tôi thường khuyên khách hàng giữ một khoản tiền mặt tương đương khoảng 6 đến 12 tháng chi phí sinh hoạt. Tùy vào tình hình tài chính và khẩu vị rủi ro của bạn, có thể bạn cần giữ lại nhiều hơn. Mặc dù cũng không hẳn là bạn sẽ không hề có thu nhập nào trong vòng 6 đến 12 tháng (và cũng không có bảo hiểm thu nhập), nhưng nó vẫn giúp bạn yên lòng.
Việc có sẵn tiền mặt đảm bảo bạn có đủ thời gian để thực hiện bất cứ động thái cẩn trọng nào, bao gồm cả việc bán tài sản. Điều này giúp bạn giảm bớt căng thẳng và lo lắng không đáng có và áp lực phải gấp rút bán tài sản. Nếu bạn không dự trữ sẵn lượng tiền mặt đủ chi trả cho 6 đến 12 tháng sinh hoạt phí thì có lẽ bán gấp là mục tiêu số một của bạn.
An toàn tài chính giúp bạn yên giấc
Nhiều người đã làm việc chăm chỉ nhiều năm trời nhưng vẫn có rất ít thứ đảm bảo ngoài ngôi nhà và tiền hưu trí của họ.
Xây dựng một rổ trứng (một danh mục đầu tư) ngoài hai khoản này sẽ cung cấp cho bạn sức mạnh tài chính lớn hơn để vượt qua giông bão.
Nếu bạn mất việc và có một khoản đầu tư có tính thanh khoản cao, ví dụ như cổ phiếu, thì bạn có phương án dự phòng. Bạn có tài sản khác ngoài ngôi nhà của mình để bán đi. Nếu bạn không thường đầu tư, có lẽ Covid chính là hồi chuông cảnh tỉnh để bạn bắt đầu việc đó.
Sẽ có một cuộc khủng hoảng khác, có lẽ là trong 10 năm tới, sẽ gây ra mức độ không chắc chắn và những tổn thất trầm trọng. Có thể không phải là một đại dịch khác, có thể là một biến cố khác. Nhưng chắc chắn sẽ có biến cố. Xây dựng một danh mục tài sản để tạo cho mình phương án dự phòng là một chiến lược hợp lý. Và thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu là ngay lúc này.
Hãy cẩn thận với những thông tin mà bạn thu nạp
Tôi thôi không xem TV nữa từ hồi đại dịch ập đến hồi tháng 3, và tôi biết nhiều bạn bè và đồng nghiệp của mình cũng làm điều tương tự. Nội dung được phát sóng đầy những tin giật gân, đáng báo động và thiếu cân bằng. Xem TV không giúp tôi cập nhật hơn, nó chỉ tạo ra cảm giác thiếu chắc chắn hơn. Chúng ta biết rõ rằng không thể hi vọng có sức khỏe tốt nếu ta chỉ ăn những món không tốt cho sức khỏe. Đối với não bộ cũng vậy. Chúng ta phải chủ động chọn lọc thứ chúng ta đọc và xem. Chúng ta không thể kỳ vọng bản thân đưa ra những quyết định tài chính dài hạn tốt nếu chúng ta luôn trong trạng thái căng thẳng và bị tác động bởi những thông tin sai lệch. Ở một mức độ nào đó, cách làm này cũng có thể được áp dụng trong thời gian bình thường, “không phải đại dịch”.
Một bộ phận truyền thông sẽ nói những điều tiêu cực về đầu tư, vay mượn, thị trường bất động sản, những chuyên gia tư vấn tài chính… Họ sẽ phân tích hàng loạt lý do tại sao không nên đầu tư, không nên tin tưởng các chuyên gia, nên trì hoãn việc mua nhà… những nội dung được biên soạn để thu hút sự chú ý của bạn (để rồi họ bán cho các nhà quảng cáo) chứ không hề hữu ích cho bạn.
Năm nay có thể là một bài học cho chúng ta, hãy suy nghĩ thật kỹ những gì chúng ta đọc, xem và những người chúng ta dành thời gian tiếp xúc.
Tôi cũng áp dụng những chiến lược này
Về mặt tài chính, năm nay là một năm tuyệt vời đối với vợ chồng tôi.
Chúng tôi đã mua và bán bất động sản dân cư khi không ai muốn làm điều đó (tức là trong giai đoạn phong tỏa chừng như dài vô tận ở Melbourne). Chúng tôi đã đầu tư vào cổ phiếu và bất động sản thương mại.
Tôi chia sẻ thông tin này để nhấn mạnh quan điểm rằng tôi cũng làm theo những lời khuyên của chính bản thân tôi.
Thông thường thời điểm tốt nhất để đầu tư là lúc không ai khác đầu tư.
Một điều chắc chắn
Sẽ có một cuộc khủng hoảng khác. Nó sẽ là một biến cố độc nhất.
Ở trên đỉnh của tất cả sự hỗn loạn và thiếu chắc chắn, bạn sẽ có cảm giác thế giới đã thay đổi mãi mãi.
Vì vậy, tôi có 2 câu hỏi quan trọng dành cho bạn.
Bạn có thể bắt đầu làm gì ngay thời điểm này để chuẩn bị cho bản thân và gia đình trước cuộc khủng hoảng tiếp theo?
Và, điều gì bạn sẽ làm khác đi khi khủng hoảng ập đến?
Comentarios