Toàn Tp.HCM có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp...
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư đang có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư.
Hiện, trên toàn Tp.HCM có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Để xảy ra tranh chấp có nhiều nguyên nhân như một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005; chủ đầu tư không bàn giao quỹ bào trì cho ban quản trị chung cư theo quy định pháp luật.
Tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư về việc đóng kinh phí vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về mức thu kinh phí vận hành nhà chung cư…
Ngoài ra còn xuất hiện tranh chấp về phần sở hữu trong chung cư, chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị phòng cháy chữa cháy, một số chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ, không làm sổ đỏ kịp thời cho người mua nhà. Chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý.
Từ thực trạng đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chỉ đạo giải quyết về nghĩa vụ nộp kinh phí bảo tri đối với các chung cư được xây dựng trong giai đoạn thực hiện Luật Nhà ở 2005; thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị.
HoREA đề nghị quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao nhà, làm sổ đỏ cho người mua nhà đúng cam kết theo hợp đồng; xử lý nghiêm trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý.
HoREA cũng đề nghị sửa đổi Khoản 1.b Điều 108 Luật Nhà ở quy định "Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó" theo hướng tính đúng giá trị của phần diện tích mà chủ đầu tư còn giữ lại hoặc chưa bán được.
Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành tiêu chuẩn thiết kế, diện tích tối thiểu căn hộ nhà chung cư thương mại. Hiệp hội kiến nghị cho phép căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 tương đương diện tích tối thiểu căn hộ nhà ở xã hội; và sớm ban hành quy chuẩn về loại hình shophouse, officetel, serviced apartment trong khối nhà chung cư.
Theo Hạnh Nguyên - VnEconomy
Comments